Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Diễn biến hòa bình không phải là "sự phát triển tất nhiên"


(Theo Nhân Dân )
Gần đây, một số diễn đàn trên in-tơ-nét đang truyền bá quan điểm của một tác giả cho rằng "lâu nay trong nước vẫn có cách sử dụng khái niệm diễn biến hòa bình với một ý nghĩa rất tiêu cực", diễn biến hòa bình là "sự phát triển tất nhiên... Bản thân nó chỉ là một sự vận động chứ không có màu sắc gì cả"; từ đó kêu gọi Ðảng Cộng sản Việt Nam "phải tự diễn biến hòa bình trong nội bộ đảng"! Ðây là sự mập mờ về lý luận, mơ hồ về thực tiễn, từ đó đánh đồng mục đích, nội dung của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay với chiến lược mà các thế lực thù địch đang sử dụng để tiến công vào Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Về nguồn gốc và lịch sử của diễn biến hòa bình, theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì: "Ý tưởng ban đầu về diễn biến hòa bình do các nhà hoạch định chiến lược phương Tây soạn thảo từ cuối những năm 40 thế kỷ 20, sau được tiếp tục bổ sung; cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20, được nâng lên và hoàn chỉnh thành chiến lược. Trong điều kiện mới của so sánh lực lượng trên thế giới, chiến lược diễn biến hòa bình được tiến hành chủ yếu bằng các thủ đoạn phi quân sự, nhằm "chuyển hóa hòa bình" các nước xã hội chủ nghĩa theo tư bản chủ nghĩa. Sau biến động ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, phương Tây công khai tuyên bố chuyển hướng chiến lược "kiềm chế" sang chiến lược "mở rộng" với hai nội dung cơ bản: "dân chủ hóa về chính trị" và "tự do hóa về kinh tế". Vấn đề "nhân quyền" và "dân chủ" được coi là vũ khí lợi hại (Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, H.1995, tr.673). Qua một lược sử như thế, có thể thấy diễn biến hòa bình là một kế hoạch có chủ thể tổ chức và thực hiện, có mục đích và đối tượng cụ thể; có sự điều chỉnh liên tục nhằm thích ứng với từng giai đoạn lịch sử; đặc biệt, chủ thể của diễn biến hòa bình không hề chú ý tới sự phát triển lành mạnh của các quốc gia mà họ nhằm vào. Nếu cái gọi là "tất nhiên" được vay mượn từ luận điểm "quá trình lịch sử, tự nhiên" mà Các Mác đã chỉ ra, thì đây
là sự gá ghép khiên cưỡng hai khái niệm  có nội hàm rất khác nhau. Diễn biến hòa bình chỉ "tất nhiên" đối với những người đã cố công hoạch định, rồi hơn nửa thế kỷ qua vẫn kiên trì theo đuổi, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm phá hoại các nước XHCN về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Vì thế, không thể phủ nhận tác động rất tiêu cực của diễn biến hòa bình.
Nhìn ra thế giới, diễn biến hòa bình không chỉ là câu chuyện liên quan tới Việt Nam, bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu là bằng chứng cụ thể của tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" kết hợp với sự suy sụp về kinh tế, sự suy giảm niềm tin,... đã đẩy tới sự sụp đổ chế độ xã hội ở hàng chục quốc gia. Hiện tại, với Trung Quốc và Nga, theo mục từ diễn biến hòa bình trên Wikipedia thì "Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào trong tuyên bố đầu năm 2012 của mình nhắc nhở các thành viên trong Ðảng Cộng sản Trung Quốc cẩn thận với diễn biến hòa bình, kêu gọi các biện pháp tích cực chống lại "sự thâm nhiễm về văn hóa và tư tưởng của các thế lực thù địch"... Theo báo Pravda của Nga, Quỹ dân chủ Mỹ (NED) có mặt trên khắp đất nước Nga, thâm nhập vào diễn biến chính trị ở Nga hiện nay. Tổ chức này cũng tài trợ cho nhiều tổ chức thanh niên và các buổi thảo luận dưới nhiều hình thức khác nhau với mục đích "bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước Nga"... Chính phủ Nga cảnh báo việc Mỹ tiếp tục tài trợ cho các tổ chức này tại Nga đang gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai bên, nhất là Mỹ đang áp dụng sách lược cứng rắn trên các vấn đề liên quan đến lợi ích của Nga như vấn đề I-ran và Xy-ri. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây Ry-a-cốp nói với hãng thông tấn Interfax: "Hành động này đến mức trở thành một vấn đề trong quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi thực sự quan ngại về việc Oa-sinh-tơn tài trợ cho các nhóm và phong trào nhất định tại Nga".
Gần đây hơn, các cơ quan truyền thông BBC, VOA, RFI,... đều đưa tin về sự kiện hôm 19-9-2012 Chính phủ Nga đã ra hạn tới ngày 1-10-2012 Văn phòng của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tại Nga phải đình chỉ hoạt động và rời khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Quyết định được đưa ra vì việc làm của những người chịu trách nhiệm của cơ quan trên tại đất nước chúng tôi không phù hợp chút nào với mục tiêu đã tuyên bố, là tạo điều kiện phát triển hợp tác nhân đạo song phương. Ðúng ra đây là những mưu toan gây ảnh hưởng lên các tiến trình chính trị thông qua việc tài trợ. Xã hội công dân Nga đã đủ chín chắn và không cần đến các mệnh lệnh từ bên ngoài". Bài USAID đóng văn phòng tại Nga trên web của BBC ngày 19-9 viết: "USAID đã làm việc tại Nga trong hai thập niên qua, chi gần 3 tỷ USD cho các chương trình viện trợ và dân chủ... Nhà chức trách Nga ngày càng nghi ngờ các tổ chức phi chính phủ (NGOs), mà họ tin rằng đã dùng tài trợ nước ngoài để kích động bất ổn chính trị... Ðầu năm nay, Tổng thống Nga V.Pu-tin cáo buộc các cuộc biểu tình phản đối việc ông đắc cử được giật dây bởi các tổ chức phi chính phủ được Mỹ cấp tiền... Hoa Kỳ bắt đầu đưa hoạt động của các tổ chức NGO ở Nga sau khi Liên Xô tan rã và chi khoảng 2,7 tỷ USD cho một loạt các chương trình nhân quyền, xã hội dân sự, y tế và môi trường". Còn bài Các tổ chức dân chủ Nga sẽ gặp khó khăn sau khi USAID rời khỏi Nga đăng trên web của VOA thì viết: "Trong thập niên qua, số tiền viện trợ giảm sút, nhưng càng ngày càng đổ vào các tổ chức nhân quyền và củng cố xã hội dân sự tại Nga. Vào năm 1995, USAID tiêu khoảng 257 triệu USD tại Nga so với khoảng 50 triệu USD trong năm nay... Phóng viên BBC tại Mát-xcơ-va Steve Rosenberg nói rằng, việc USAID cam kết xây dựng một xã hội dân sự được giới chức Nga xem là nỗ lực để châm ngòi cho một cuộc cách mạng".
Các sự kiện trên, cùng các bằng cứ mà báo chí trên thế giới công bố đã chỉ rõ vai trò của các thế lực bên ngoài (qua tài trợ, mạng xã hội, truyền thông "đen"...) đã tác động như thế nào đến "cách mạng da cam" ở U-crai-na, "cách mạng hoa nhài" ở Trung Ðông và Bắc Phi,... Ðiều này khiến chúng ta phải suy nghĩ một cách chín chắn, để nhận diện và đi tìm căn nguyên. Và nếu không chú ý tới điều V.I Lê-nin đã khẳng định "hiện tượng là có tính bản chất" sẽ không thể tạo lập khả năng tổng hợp, phân tích các hiện tượng liên quan tới diễn biến hòa bình để xác định bản chất của nó; sẽ không thấy diễn biến hòa bình là nguy cơ có thật, là một thực tế phải đối diện, không phải là "ngoáo ộp" được dựng lên để dậm dọa. Diễn biến hòa bình có thể đẩy tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", song "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" còn có thể nảy sinh từ hoạt động của các chủ thể xã hội, đặc biệt là tự tình trạng "tự tha hóa" của đội ngũ lãnh đạo các cấp. Về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay chỉ rõ tình trạng: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..." đã nảy sinh từ một số nguyên nhân, như: "Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Ðảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ", và các nguyên nhân ấy "sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ".
Về nguyên tắc, sự phát triển bền vững, lành mạnh của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào định hướng phát triển, năng lực tự điều chỉnh và sức mạnh vật chất - tinh thần nội tại của nó. Tuy nhiên, khi mà sự hợp tác quốc tế có thể bổ sung một số điều kiện giúp quá trình phát triển diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn, thì các quốc gia cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Nhưng xét đến cùng, sự phát triển của mỗi quốc gia luôn phụ thuộc vào trí tuệ, sự tỉnh táo, năng lực của chủ thể lãnh đạo, cùng khả năng khơi dậy và huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá trình phát triển. Lịch sử đã chứng minh, nếu không có trí tuệ sáng suốt và sáng tạo, không có nội lực tinh thần mạnh mẽ và thuyết phục, nếu không có bản lĩnh và khả năng tự điều chỉnh linh hoạt, nếu không tập hợp và xây dựng được khối đoàn kết toàn dân... Ðảng Cộng sản Việt Nam đã không thể lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm nên Cách mạng Tháng Tám, vượt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh và vừa đương đầu với các khó khăn của thời kỳ "cấm vận", sau đó bước vào thời kỳ Ðổi mới. Những thành tựu to lớn đó là kết quả trực tiếp của trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và cả mồ hôi, xương máu, hy sinh của nhiều thế hệ lãnh đạo Ðảng cùng hàng triệu đảng viên và các tầng lớp nhân dân; trực tiếp khẳng định vai trò chủ thể tự giác của lực lượng lãnh đạo cách mạng cùng phong trào cách mạng rộng rãi, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày nay, trước rất nhiều khó khăn của đất nước, trước một số vấn đề xã hội cần phải giải quyết, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã thể hiện quyết tâm của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng và chỉnh đốn Ðảng để tiếp tục tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Ðây là kết quả của quá trình nhận thức sâu sắc đối với thực tiễn và đánh giá chính mình để tự hoàn thiện, không cùng bản chất với cái gọi là "tự diễn biến hòa bình trong nội bộ đảng". Trong những ngày này, việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 một cách cụ thể, sâu sát, rộng khắp,... trong toàn thể cán bộ, đảng viên từ trung ương tới địa phương đã không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân cả nước mà dư luận thế giới cũng chăm chú theo dõi. Bởi, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Việc thực hiện Nghị quyết là làm cho Ðảng mạnh hơn lên, để quan hệ giữa Ðảng với dân ngày càng gắn bó máu thịt". Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các thế lực thù địch khai thác, xuyên tạc, reo rắc hoài nghi, kích động nhằm tác động tiêu cực tới uy tín của Ðảng. Vì thế, nếu thật sự có tinh thần phấn đấu vì tương lai đất nước, hơn lúc nào hết mỗi công dân cần tỉnh táo, có ý thức trách nhiệm trong lao động để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoặc trước khi có ý kiến đóng góp với sự nghiệp chung.
HOÀNG GIANG

6 nhận xét:

  1. Diễn biến hòa bình chỉ là do phần tử chống đối bịa dặt ra mà thôi làm gì phải là tất yếu hay tự nhiên gì chứ.

    Trả lờiXóa
  2. tất cả chỉ là dối chá.chúng ta cần có tinh thần phấn đấu vì tương lai đất nước, hơn lúc nào hết mỗi công dân cần tỉnh táo, có ý thức trách nhiệm trong lao động để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đúng chúng ta cần phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

      Xóa
  3. hi vong la hoa binh ddai dai...chu kai kieu nay cung thay lo that...

    Trả lờiXóa
  4. Diễn biến hòa bình chỉ là bọn chúng lúc dỗi hơi chúng bịa ra chú có phải là tất nhiên gì đâu.

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ là bịa đặt mà thôi, diễn biến hòa bình gì chứ, bọn phản động chỉ cố tình tìm ra một lý do gì để chống Nhà nước ta mà thôi, diễn biến hòa bình đâu phải là sự lựa chọn tất nhiên.

    Trả lờiXóa