Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Quay đầu lại là bờ

(HNM) – Do ngang ngược, quậy phá, coi thường pháp luật, rất nhanh chóng, Hằng đã bị một số kẻ cơ hội chính trị, chống phá nhà nước kích động, lôi kéo, lợi dụng để phục vụ những mưu đồ đen tối. Mù quáng, háo danh lại sẵn ”máu liều”, Hằng ngày càng lún sâu vào con đường sai trái.Bỏ bê con cái, người đàn bà đã lên chức bà ngoại này đã theo chân một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, ngày qua ngày tụ tập ở vỉa hè Hà Nội, ra sức múa may, kích động và trực tiếp tham gia vào các hoạt động gây mất ANTT tại khu vực trung tâm TP.
Trở thành con rối của mưu đồ chính trị
Trong năm 2011, Hằng đã 3 lần bị tạm giữ vì hành vi gây rối trật tự công cộng (TTCC). Ngày 2-8-2011, bị một số đối tượng cơ hội chính trị giật dây, Hằng có mặt tại phiên tòa xét xử phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ và trở thành con rối kích động. Mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng Hằng vẫn không chịu chấp hành, buộc các lực lượng làm nhiệm vụ phải đưa về trụ sở công an quận Hoàn Kiếm để lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính với hình thức cảnh cáo về hành vi “gây rối trật tự nơi công cộng”.
Ngày 18-8-2011, UBND TP Hà Nội đã có thông báo về công tác bảo đảm ANTT, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, tập trung đông người trái pháp luật trên địa bàn TP. Nhiều người hiểu và chấp hành thông báo của chính quyền TP, nhưng Hằng và một số đối tượng thì bất chấp. Ngày 21-8-2011, Bùi Thị Minh Hằng tiếp tục cùng một số người quá khích tụ tập gây mất TTCC tại khu vực trước Tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Mặc dù được lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT kiên trì tuyên truyền, giải thích, thuyết phục và vận động, Hằng vẫn cố tình vi phạm, buộc công an phải cưỡng chế đưa về Đồn Công an số 1 Mỹ Đình, sau đó chuyển Công an Hoàn Kiếm lập hồ sơ, ra quyết định xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với Bùi Thị Minh Hằng về hành vi gây rối TTCC theo Điều 7, Nghị định 73/CP.
Tưởng sau những lần bị cảnh cáo, xử phạt hành chính như trên, Bùi Thị Minh Hằng sẽ tỉnh ngộ, nhưng Hằng vẫn “ngựa quen đường cũ”. Ngày 16-10-2011, Bùi Thị Minh Hằng cùng 17 người khác tụ tập trước cổng đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) phát tán khẩu hiệu, gây mất TTCC. Nhiều người dân khuyên nhủ, lực lượng làm nhiệm vụ cũng kiên trì vận động, yêu cầu Hằng dừng ngay các hành vi gây rối, nhưng Hằng không chấp hành. Khi bị lực lượng chức năng xử lý, Hằng giở trò ăn vạ, la hét, lăn lộn trên vỉa hè rồi lại chồm dậy chửi bới, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ bằng những lời tục tĩu… Do liên tục có những hành vi tái phạm, gây mất ANTT trên địa bàn công cộng khu vực hồ Hoàn Kiếm như trên, nên Công an quận Hoàn Kiếm đã tạm giữ Bùi Thị Minh Hằng, sau đó cho về và lập hồ sơ, đề nghị xét duyệt đưa Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục. Căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 3 Nghị định 76/2003/NĐ-CP (ngày 27-6-2003) của Chính phủ; điểm d khoản 1, Điều 1 Nghị định 125/2008/NĐ-CP (ngày 11-12-2008) của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 76/2003/NĐ-CP, Bùi Thị Minh Hằng thuộc diện buộc phải đưa đi cơ sở giáo dục.
Ngày 8-11-2011, sau khi có báo cáo của Hội đồng Tư vấn TP, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 5225/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thời hạn 24 tháng đối với Bùi Thị Minh Hằng. Quyết định này đã thể hiện rõ chủ trương khoan hồng của Đảng và Nhà nước, chính quyền Hà Nội. Bởi, với những hành vi mà Hằng gây ra, việc xử lý hình sự đối với Hằng là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài việc thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, việc đưa Hằng vào cơ sở giáo dục cũng là nhằm giúp Hằng có thời gian suy nghĩ, lao động, học tập để có thể trở thành công dân tốt, đóng góp hữu ích cho gia đình và xã hội.
Nhóm phóng viên báo Hà Nội Mới

1 nhận xét:

  1. Pháp luật Việt Nam bên cạnh việc nghiêm trị các hành vi phạm tội còn có chủ trương khoan hồng cho những ai biết nhận ra lỗi lầm, những ai lầm đường lạc lối nên biết quay đầu là bờ

    Trả lờiXóa