Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Một vài ý kiến về vụ án Cù Huy Hà Vũ và vấn đề nhân quyền với góc nhìn sinh viên


Theo Peter Nguyễn (blog: Vietnamngayve.blogspot.com)

 Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án của luật sư Cù Huy Hà Vũ (04/04/2011), và dư luận về vụ án đầy rẫy những tiếng khen chê này cũng đã lắng xuống. Thế nhưng hôm nay, trước những vấn đề nhức nhối về dân chủ và nhân quyền đang đặt ra ở Việt Nam, một lần nữa chúng ta cần nhìn lại, dưới một góc độ khác, đó có lẽ đây không còn là vấn đề của một cá nhân hay một phiên tòa nữa mà đó là vấn đề của cả dân tộc Việt Nam và của cả hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 Tuy rằng dưới góc độ một sinh viên, với những hiểu biết có lẽ còn rất nhiều hạn chế về các vấn đề chính trị, lịch sử đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm đang gây nhiều tranh cãi nhưng không phải vì thế mà tôi hay chúng ta – những sinh viên, những con người đại diện cho một đất nước trí thức và thực sự dân chủ trong tương lai mặc nhiên đứng ngoài quan sát mà không có những tiếng nói của chính mình.
 Hãy khoan nói về những luận điệu của vị Tiến sĩ luật, Thạc sĩ văn chương, họa sĩ – Hội viên hội mỹ thuật Việt Nam… mà hãy nói về mục đích của con người này – con người luôn tự cho rằng mình đang cống hiến cả cuộc sống, mạo hiểm cả sinh mạng để đất nước này thay đổi, vì một nền tự do dân chủ mà chưa một lần ông xây dựng được một cách hoàn chỉnh và thuyết phục về cả hình thức cũng như cách thức để đưa dân tộc đến với nó. Tất cả những gì chúng ta thấy là một con người suốt 25 năm luôn hoàn thành tốt việc “lĩnh lương mà không hề cống hiến” bỗng chốc trở thành một người anh hùng đại diện cho tiếng nói yêu nước, một con người bị cha, bác ruột và cả em ruột mình khiếu kiện về việc tranh chấp quyền sử dụng đất bỗng chốc trở thành đứa con sẵn sàng hiến dâng vì một đất nước nhân quyền…và cuối cùng liệu rằng những điều trên có làm chúng ta tin được cái mà luật sư Trần Đình Triển cho rằng mọi chuyện chỉ đơn thuần là tính “dân dã của dân xứ nghệ” khi trả lời phỏng vấn của VOA về vụ án có liên quan tới bà Hồ Lê Như Quỳnh.
 Vậy điều cuối cùng mà con người này muốn là gì?
 Lúc đầu trong thời điểm vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra và dư luận thì liên tục nổi lên những bài viết vô cùng rối loạn về thông tin, bản thân tôi và hẳn nhiều bạn sinh viên khác cũng không khỏi lạc lõng, thụ động trong cái “biển” thông tin mơ hồ đó. Thậm chí đã có lúc tôi tự hỏi rằng “liệu có thật…” và cũng không thể phủ nhận trong thâm tâm một người trẻ với bầu nhiệt huyết tôi có đôi lần hứng thú với cái mà đương sự gọi là “bầu không khí dân chủ”. Nhưng rồi nhanh chóng trong quá trình tìm hiểu tôi nhận ra những sự khập khiễng trong lối tư duy thiếu logic, những dấu hiệu bất thường về động cơ của một con người đang giương cao ngọn cờ lý tưởng, và thậm chí cả những yếu tố mang tính lợi ích cá nhân của những người đang tung hô một kẻ mà dường như chính họ cũng hiểu là thiếu tư cách.
 Để rồi tôi đã nghĩ đến việc tự tìm cho mình một câu trả lời.
 Điều đầu tiên tôi cho rằng cần được giải đáp đó là một người yêu nước và đặc biệt là một người trí thức yêu nước thì cần phải làm gì? Liệu có phải là đem hết khả năng của mình ra để đạp đổ một nhà nước mà không hề nghĩ đến tính kế thừa sau khi nhà nước đó sụp đổ, liệu có phải là tính toán, công kích, đả phá mọi hạn chế của chính quyền với mục đích “không thành công cũng thành danh”… rõ ràng trong một đất nước không chiến sự thì cả hai cách làm trên đều đi ngược lại ước nguyện hòa bình của cả dân tộc. Phá nhà thì dễ, xây nhà mới thật sự khó. Hiện tại, tất cả chúng ta đều đang chung sống trong ngôi nhà chung mà cả dân tộc đã đánh đổi bằng máu xương của hơn hai thế hệ, vậy giờ điều mà chúng ta – những người trẻ, những người tiếp quản đất nước mai sau, điều chúng ta thật sự muốn là gì. Liệu có phải là một đống đổ nát của chính quyền cũ với xuất phát điểm bị tụt hậu 10 năm, 20 năm hay thậm chí nhiều hơn thế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Không ít thì nhiều, tôi và chúng ta đều thấy sự phức tạp về vấn đề chính trị trên thế giới nói chung và ở Việt Nam hiện nay nói riêng. Sự bành trướng về tầm ảnh hưởng của Mĩ, tranh chấp lãnh thổ, vấn đề nhức nhối ở biển Đông… Liệu rằng những giấc mơ màu hồng về đa nguyên, đa đảng, tự do, bình đẳng có thật sự thành hiện thực khi Đảng cộng sản xóa bỏ điều 4 trong hiến pháp. Liệu những “ông lớn” có chịu ngồi yên để chúng ta tự quyết về một nền dân chủ. Hay những gì chúng ta thu được là một mớ bòng bong về chính trị và lịch sử sẽ quay ngược. Chúng ta thậm chí sẽ còn thua và thua xa hơn nữa ít nhất là về nền dân chủ so với các nước tư bản khi chuyện đó xảy ra. Có một cụm từ mà hồi còn học phổ thông tôi thường được nghe trong những bài giảng lịch sử đó là “giai đoạn tư bản xấu xí” một cách nôm na, đó là ở giai đoạn đầu khi tư sản tìm thấy cho mình một sự tự do tuyệt đối về mặt kinh tế thì họ bỏ qua mọi vấn đề khác như chính trị, văn hóa, đạo đức và thậm chí là cả nhân quyền – cái mà tất cả chúng ta đều đang khao khát, để tối đa hóa lợi ích cá nhân. Điều này đã được lịch sử nhân loại chứng minh. Vậy tôi tự hỏi buông tay trong giai đoạn này liệu có phải là Đảng cộng sản Việt Nam đã tự mình kí vào quyết định đưa đất nước đến với thời kì đó? Thời kì tung hoành của những tinh thần tư bản nóng bỏng bước vào giai đoạn tự do, của những thế lực ngoại quốc luôn lăm le hướng tới việc đem lợi ích ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
 Khi đã hiểu rõ điều cần làm hiện nay không phải là gào thét một cách điên cuồng về khát vọng dân chủ, càng không phải là từ bỏ con đường mà chúng ta đã theo đuổi hơn 60 năm qua thì bỗng chốc những mục đích của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trở lên đối lập với lợi ích dân tộc và gắn liền với lợi ích cá nhân nhiều hơn. 
 Đi xa hơn về vấn đề dân tộc và truyền thống lịch sử, có lẽ không chỉ dân tộc Việt Nam mà tất cả các dân tộc trên thế giới đều hết sức giữ gìn và bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc mình. Điều đó có nghĩa không một dân tộc nào, một nhà nước nào chấp nhận có sự can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ đặc biệt là những chủ trương chính sách nhạy cảm mang tính truyền thống đạo đức, văn hóa vùng miền và lịch sử dân tộc mà dân chủ và nhân quyền là một trong những vấn đề đó. Tôi cho rằng không ai khác ngoài công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền phán quyết về việc áp dụng chính sách dân chủ và nhân quyền trên lãnh thổ Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã và sẽ không chấp nhận bất cứ sự áp đặt nào từ bên ngoài. Chúng ta tiến hành hội nhập, kí kết và thực hiện các công ước quốc tế nhưng không có nghĩa là chúng ta phải “làm theo” các quốc gia khác đặc biệt là Mĩ. Cho nên việc dựa vào Mỹ để tiến hành thực hiện dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam là đường lối hết sức sai lầm mà vị Tiến sĩ luật đã nêu ra
 Về mặt này tôi đặc biệt chú ý tới những phân tích rất có giá trị của GS Trần Chung Ngọc:
“…Nhìn vào quá khứ, chúng ta thấy đã có biết bao nghị quyết nọ kia, kể cả nghị quyết của Liên hiệp Âu châu và cả danh sách CPC, dự luật về nhân quyền cho Việt Nam của Hạ viện Mỹ, nhưng kết quả là bao nhiêu, chính quyền Việt Nam lùi một bước tiến hai bước và cứ làm theo ý. Tại sao? Vì chính quyền Việt Nam thừa biết rằng, tất cả chỉ là những tài liệu chính trị chống Việt Nam và cũng thừa biết chiêu bài nhân quyền của các cường quốc Âu Mỹ là đạo đức giả, có tính cách lưỡng chuẩn (double standard), thường để che đậy những mưu đồ chính trị sau bức bình phong nhân quyền. Những cuộc vận động ngoại nhân để làm áp lực đối với chính quyền Việt Nam mà không nghĩ tới những hậu quả nghiêm trọng có thể xâm phạm đến trật tự, an ninh và chủ quyền quốc gia, là những bước đi chính trị vụng về, thiếu trí tuệ, không nghĩ đến truyền thống yêu nước của người Việt Nam.
 Những điều tôi viết trên đây hoàn toàn không xuất phát từ thành kiến hay sự tận trung với bất kì cá nhân hay tổ chức nào. Mà đó là những lời chia sẻ của một thanh niên đang đứng trước rất nhiều ngã rẽ trong việc lựa chọn cho mình một cách thể hiện lòng yêu nước. Tôi không kêu gọi từ bất kì ai một sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng cộng sản Việt Nam bởi thực tế chính Đảng cũng phải thừa nhận trong quá trình “dò dẫm” đi trên con đường gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa thì không thể tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót. Là những công dân thuộc tầng lớp trí thức việc đóng góp ý kiến đối với hoạt động lãnh đạo của Đảng và quản lí của bộ máy nhà nước lại càng trở lên quan trọng. Nhưng không phải vì lí do đó mà bất cứ ai cũng áp dụng hoạt động này một cách máy móc, thiển cận, thiếu xây dựng mà thiên về chỉ trích, quy chụp, bài xích chính quyền nhà nước, đó không phải là hành động yêu nước mà là hành động tiếp tay cho các thế lực phản động từ bên ngoài chống phá đảng, chống phá nhà nước, phương hại đến lợi ích của dân tộc, quyền lợi của nhân dân.
Điều cuối cùng mà tôi muốn đó là tất cả chúng ta – những người trẻ sẽ tìm thấy cho mình một lối đi sáng suốt nhất để có thể dần hoàn thiện nền dân chủ ở nước ta mà không gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt chính trị. Đó không phải là sự e dè trước những điều bị xuyên tạc là “phát đạn cảnh cáo” của Đảng cộng sản khi xét xử các vụ án chính trị mà chính những tuân thủ đó là bước khởi đầu biện chứng cho một xã hội văn minh, tự giác nền tảng của một quốc gia dân chủ và nhân quyền.

1 nhận xét:

  1. mỗi người trong chúng ta cần phải trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng!!

    Trả lờiXóa