Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Là công dân, phải tuân thủ luật pháp quốc gia

ND - Ngày nay, việc mở rộng các quan hệ quốc tế đã trở thành xu thế tất yếu của mọi quốc gia trên con đường phát triển. Tuy nhiên, mở rộng các mối quan hệ như thế nào, và xác định đâu là cơ hội, đâu là thách thức cần phải vượt qua là các câu hỏi phải được trả lời từ tầm nhìn của trí tuệ và sự tỉnh táo. Bài viết dưới đây của tác giả Hoàng Hữu Phước, Ðại biểu Quốc hội khóa XIII, gợi mở vấn đề để chúng ta tham khảo.
Vào năm 2005, biết khả năng của tôi trong việc soạn thảo bằng tiếng Anh các văn bản, nội quy công ty, quy định quy chế công ty,... Lê Ðình Bửu Trí cho tôi biết đã bí mật hợp tác cùng một số luật sư để mở văn phòng luật tại tòa nhà Sunwah Tower, đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh, mong tôi đến giúp soạn thảo một số văn bản. Nghe nói các vị luật sư trong nhóm ấy nói chuyện được bằng tiếng Anh, nhưng không soạn được các chính sách, quy chế trực tiếp bằng tiếng Anh, nên tôi nhận lời giúp đỡ. Khi đến Sunwah Tower, vào văn phòng luật, tôi thấy cùng với Lê Ðình Bửu Trí có một nam nhân viên trắng trẻo, đeo kính cận. Trí giới thiệu tôi với thanh niên kia, rồi giới thiệu đó là luật sư Lê Công Ðịnh. Chúng tôi bắt tay nhau. Lê Công Ðịnh bảo: "Nghe nói về anh Phước đã lâu, nay mới gặp. Em có CV của anh trong laptop rồi, em sẽ giới thiệu anh cho New York Life" (tập đoàn bảo hiểm của Mỹ).
  Lúc ấy tôi nghĩ ngay Lê Công Ðịnh kém tư cách. Tôi nhận xét như vậy chẳng qua vì tôi chưa bao giờ nộp đơn xin việc cho ai ở bất kỳ công ty nào, mà các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài nếu muốn, họ có thể liên lạc với tôi, cứ gì phải qua tiến cử của Lê Công Ðịnh. Cũng có thể anh ta có trong tay đơn xin việc và hồ sơ lý lịch của một ông Phước nào đó nên đã lầm chăng? Song, ngay cả trong trường hợp này cũng cho thấy nghiệp vụ của Lê Công Ðịnh ra sao rồi. Hoặc cũng có thể New York Life trao cho anh ta CV của tôi qua việc tìm kiếm tổng hợp thông tin cá nhân trên blog hay lý lịch ở địa phương, rồi nhờ Lê Công Ðịnh tiếp cận "săn đầu người" chăng? Thế nhưng, ngay trong trường hợp này thì lập luận cũng không vững, vì Lê Ðình Bửu Trí ắt biết tôi sẽ rất xem thường New York Life nếu họ không liên lạc trực tiếp với tôi.
  Tôi quyết định phải thất hứa, không giúp Lê Ðình Bửu Trí và Lê Công Ðịnh. Bởi sau khi hỏi họ ý nghĩa về DC - tên của công ty luật, tôi được biết đó là viết tắt của "đồng chí". Khi hỏi thêm vì sao công ty luật lại cần đến từ "đồng chí", thì tôi được Lê Ðình Bửu Trí giải thích là các bạn luật sư trẻ trong nhóm có chung niềm khao khát mãnh liệt đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào làm giàu cho đất nước, giúp tạo môi trường đầu tư chuyên nghiệp, bài bản pháp luật, v.v và, v.v... Tôi cảm thấy bất an, không phải tôi là nhà tiên tri thấu thị được họ sẽ làm chuyện động trời, đơn giản vì tôi biết ngay bằng trực giác rằng, đó sẽ chỉ là những người thất bại ngay từ trứng nước; do họ không biết thực chất công việc của chính họ, là phục vụ cho quyền lợi của thân chủ, bất kể thân chủ là người tốt hay không tốt, sát nhân hàng loạt hay tội phạm xuyên quốc gia, thủng biên giới. Còn nếu họ có ý chí vì nước, vì dân thì chẳng hóa ra trong đầu óc họ, nước CHXHCN Việt Nam là nơi họ phải "giải phóng" hay sao?
  Sau này qua tin tức báo đài, tôi mới biết đến vụ án của Lê Công Ðịnh, mới nghe nói về nhân thân gia đình cách mạng của anh ta. Qua lời khai trên truyền hình, tôi biết thêm một điều bí mật của Lê Công Ðịnh là thiếu ánh sáng trí tuệ. Ðịnh nói đã gặp các quan chức người Mỹ, nghe các vị này nói về mong muốn đối với luật pháp và thẩm phán Việt Nam, cứ như đứa trẻ ngô nghê lắng nghe bậc cao minh chỉ giáo vậy, trong khi nhiều vị giám đốc người Mỹ và người Mỹ gốc Việt thường nói với tôi rằng, luật sư bên Mỹ có khối người làm ô danh ngành luật khiến bị gọi là dirty job, tức "nghề bẩn".
  Lê Công Ðịnh và những người tương cận sẽ luôn thất bại, vì họ thiếu ánh sáng trí tuệ. Bọn biệt kích do Mai Văn Hạnh chỉ huy gồm từ những tên được huấn luyện tại Thái-lan hình thành các nhóm "Kinh Kha" mà cả cái tên cũng cho thấy ngay là thất bại. Lý Tống mới đây giả dạng đàn bà tấn công ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng, là một hành động ngu xuẩn và hèn nhát. Còn nhóm của Lê Công Ðịnh, người xưng mật danh là "chị Hai", "chị Ba", người là "chị Tư" thì cũng thế cả thôi!
  Ðã học ngành luật thì phải chứng tỏ mình hiểu luật, thể hiện qua việc thượng tôn luật pháp, mọi hành xử đều phải trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia mà mình là công dân. Ðiều đơn giản hiển nhiên là Việt Nam có luật Việt Nam. Không tuân thủ luật Việt Nam thì không có tư cách rao giảng luật pháp nước ngoài. Một trí thức nếu có tín ngưỡng Phật giáo, thì nghiên cứu các hệ thống triết học tôn giáo khác để biết các hệ tư tưởng hay triết lý để mở mang, trí hóa. Chỉ có kẻ điên rồ mới quay trở lại đòi đập bỏ bàn thờ tiên tổ sau khi được các hệ khác trí hóa. Năm 1984, Trần Duy - một sinh viên lai da trắng tóc vàng, trước khi đi Mỹ từng nói với tôi: "Thầy ơi. Lúc em đi gặp phái đoàn Mỹ ở Biên Hòa để được phỏng vấn ra đi, em tưởng bị loại rồi Thầy. Thằng Mỹ mắt nó xanh biếc, nhìn sợ lắm vì thấy luôn đáy mắt của nó, và nó nói tiếng Việt, chắc là chuyên viên tình báo CIA. Em cà lăm vì thằng Mỹ vừa xé hồ sơ vất sọt rác vừa hét to vào mặt thằng bạn hàng xóm của em trước đó. Thằng Mỹ hỏi sao trong hộ khẩu có quãng thời gian gián đoạn, thì thằng bạn em vui vẻ tự hào nói vì muốn đi Mỹ nên phải trốn nghĩa vụ quân sự, về Sài Gòn trốn ở nhờ nhà bà con, chịu cực mấy năm chờ đi Mỹ chứ nhất quyết không đi lính cho cộng sản. Không ngờ thằng Mỹ xé hồ sơ, quát lên bằng tiếng Việt: "Mày là công dân Việt Nam mà chống lại luật Việt Nam, không đi lính bảo vệ đất nước của mày, thì lấy gì bảo đảm mày làm công dân Mỹ tốt và bảo vệ nước Mỹ!". Rồi nó kêu tên em, em sợ điếng hồn vì nó đang giận dữ, may mà em rút kinh nghiệm nên không nói câu nào chống cộng cả".
  Tôi đã kể câu chuyện của Trần Duy cho các lớp tôi dạy trong suốt mười năm sau. Và tôi biết một điều là các sinh viên ưu tú của tôi sau đó đều đã trưởng thành, đang là những công dân thành đạt. Trong quan hệ với doanh nhân nước ngoài, họ muốn gần gũi, được làm việc với những người thành đạt, tức những vị chỉ quan tâm đến người Việt tài giỏi. Chỉ có những kẻ nước ngoài chống phá Việt Nam mới quan tâm đến những người Việt không ưu tú, như Lê Công Ðịnh. Doanh nhân thành đạt của nước ngoài chỉ muốn làm việc với những người Việt Nam giỏi, có ý thức tuân thủ luật pháp để không gây phương hại tới việc làm ăn của họ. Thậm chí, có doanh nhân Mỹ nói với tôi rằng, sẽ rất thú vị nếu có nhân viên Việt Nam là đảng viên, vì ở Mỹ chỉ có thể làm đảng viên của một đảng lớn sao cho có nhiều tiền mà thôi, chứ không phải lý tưởng gì hết. Phải chăng vì đồng tiền không giúp những người mới phất như Lê Công Ðịnh mua được một "ghế đảng viên cao cấp" như ở Mỹ, nên họ mơ màng đến viễn cảnh xây dựng một thể chế y như Mỹ, để Ðịnh được bỏ tiền túi ra tranh cử tổng thống? Một người thú nhận đã gặp gỡ các quan chức Mỹ nhưng không thể viết bằng tiếng Anh các nội dung chính sách, quy định, quy chế hoạt động, bài bản tổ chức cho chính văn phòng luật của mình thì không rõ khi nói tiếng Anh thì sẽ ra sao, hay họ chỉ cần nói một từ duy nhất là "anticommunism" (chống cộng) là xem như đã hiểu nhau sâu sắc?
  Lê Công Ðịnh không phải là một luật sư, không chỉ vì Ðịnh đã bị khai trừ khỏi các luật sư đoàn Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam, mà còn vì Ðịnh không có tư cách của một luật sư. Một bác sĩ giải phẫu phải xử lý vết thương của người bệnh theo đúng các phương pháp quy định của ngành và của chuyên môn, còn mọi sáng kiến có thể tự tiến hành thí nghiệm với chuột bạch, đúc kết thành công trình để được hội đồng y khoa đánh giá, và được công bố áp dụng chung nếu các kết quả chứng minh có giá trị ngang bằng hoặc áp dụng thay thế nếu chứng minh có giá trị tối ưu. Một luật sư phải hành xử theo và trong khuôn khổ luật pháp quốc gia, mọi ý kiến cá nhân nếu có qua quá trình nghiên cứu dài lâu, đúc kết thành công trình hàn lâm, gửi tạp chí chuyên ngành để rộng đường tranh luận hoặc trình cho bộ có liên quan để được đánh giá phản hồi. Ðó luôn là các bước chuyên nghiệp của những người chuyên nghiệp của bất kỳ ngành nào. Bàn tay sắt của chính quyền Mỹ luôn sẵn sàng dập tắt, ngay cả dìm trong biển máu, đối với những manh động chống lại hiến pháp và luật pháp Mỹ như đã được ghi trong lịch sử nước này từ thời lập quốc đến nay. Chỉ có mấy "luật sư con rối" thiếu ánh sáng trí tuệ mới cố tình làm ngơ trước sự thật hiển nhiên rằng: Luật pháp quốc gia là khung hành xử mà bất kỳ ai là công dân quốc gia ấy cũng phải tuyệt đối tuân thủ.

HOÀNG HỮU PHƯỚC

8 nhận xét:

  1. Đã là công dân cảu đất nước thì nhất thiết phải tuân thủ luật pháp quốc gia rồi , đâu cần phải bàn cãi làm gì.

    Trả lờiXóa
  2. Like ý kiến của bạn Hùng Trần nhé, công dân nào không muốn tuân thủ pháp luật thì cứ thử mà xem :))

    Trả lờiXóa
  3. công dân phải luôn tuân thủ luật pháp quốc gia thì xh mới có thể ổn định và ngày càng phát triển

    Trả lờiXóa
  4. Đã là công dân thì phải tuân thủ luật pháp quốc gia.

    Trả lờiXóa
  5. Công dân của một nước thì phải sống theo luật pháp cảu nước đó , vì vậy tuân thủ luật pháp là điều hoàn toàn đúng.

    Trả lờiXóa
  6. Tuân thủ Luật pháp là một vấn đề tất nhiên. Đã là công dân thì phải tuân thủ luật pháp quốc gia.

    Trả lờiXóa
  7. Là công dân ai cũng phải tuân thủ quốc gia chứ, chúng ta đều phải có quyền và trách nhiệm tuân thủ pháp luật.

    Trả lờiXóa
  8. lê công định.lại một tên mới lại một luật sư.tại sao các người đó học luật mà lại toàn làm việc phi pháp thế nhĩ

    Trả lờiXóa